Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
89391
 VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ XÃ XUÂN MINH

          Xuân Minh là một xã thuộc vùng tả ngạn sông Chu, nằm về phía bắc, đông bắc huyện Thọ Xuân; phía bắc giáp huyện Yên Định (có sông Cầu Chày làm giới hạn), phía nam giáp xã Xuân Lai và Xuân Tân nay là xã Trường Xuân, phía tây  giáp với xã Xuân Lập.

          Diện tích toàn xã hiện nay Là 6,34km2.

          Đây chính là vùng gạch nối điển hình giữa đồng bằng với trung du và miền núi của tỉnh ta. Từ Xuân Minh đi về phía bắc một vài ba cây số, địa hình tương đối bằng phẳng của miền đồng bằng này đã bị thay thế dần bằng địa hình cao thấp và lởm chởm của vùng trung du và miền núi. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở đây vẫn được gọi là vùng đất ven rừng bởi vì chỉ cần vượt qua sông Cầu Chày, hoặc ngược lên phía trên một chút là đến ngay địa phận của miền núi rừng rộng lớn của các huyện Yên Định, Thọ Xuân và Ngọc Lặc.

          Do đặc điểm như vậy nên địa hình đất đai của Xuân Minh cũng rất phức tạp và đa dạng so với vùng đồng bằng khác. ở đây cũng có cả đất gò, đất bãi cứng và rắn, đôi chỗ lại là đất cát pha, nhưng chủ yếu là đất thịt pha sét mà lượng phì thì thấp; hơn nữa, đồng ruộng lại lồi lõm và cao thấp không đều, có những cánh đồng cao quanh năm khô cạn, nhưng cũng có những cánh đồng thấp quanh năm lầy trũng. Tình trạng đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển thời vụ và thâm canh tăng năng suất. Gần 60 xứ đồng1 được nhân dân khai phá và cải tạo từ bao đời cho đến nay vẫn còn chịu ảnh hưởng của tình trạng đó. Tuy vậy, nhìn cảnh quan làng xóm – ruộng đồng bây giờ, chúng ta cũng phần nào hình dung được quá trình lao động bền bỉ, sáng tạo của nhân dân Xuân Minh trong hàng ngàn năm nay để biến nơi đây thành một vùng ngày càng trù phú và tươi đẹp.

          Trong tổng số 760 mẫu đất đai canh tác hiện nay của Xuân Minh chỉ có 2/3 diện tích hai vụ lúa, còn 1/3 diện tích là một vụ màu và một vụ lúa. Nhưng dù sao, với diện tích này thì Xuân Minh vẫn là một trong những trọng điểm lúa ở vùng tả ngạn sông Chu của huyện Thọ Xuân.

          Từ lâu, ở đây đã có những đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như bông, lạc và lúa nếp thơm. Trong thời thuộc Pháp, bông của Xuân Minh (mà lúc đó gọi là bông Thử Cốc) được đánh giá là loại bông quí mà thị trường trong nước và Đông Dương đều rất ưa chuộng.

          Về khí hậu thì xã Xuân Minh cũng nằm trong điều kiện khí hậu thuỷ văn chung của huyện Thọ Xuân. Nhưng là nơi giao tiếp với trung du và miền núi, cho nên khí hậu ở đây vừa mang tính chất tương đối ổn định của đồng bằng, vừa mang tính chất thất thường và bất ổn định của trung du, miền núi. Tuy vậy, khí hậu của Xuân Minh nhìn chung vẫn rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây nông nghiệp (lúa, khoai, đỗ,...) và cây công nghiệp (bông, lạc,...), v.v...

          Ở Xuân Minh tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp của sông Chu1, nhưng lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của sông Cầu Chày.

          Sông Cầu Chày còn có tên chữ là sông Ngọc Chuỳ, phát nguyên từ Ngọc Lặc, và vô tình đã trở thành một biên giới tự nhiên của hai huyện Thọ Xuân và Yên Định. Khi đi qua địa phận của xã Xuân Minh thì dòng sông trườn sâu vào địa phận của huyện Yên Định và Thiệu Hoá để đổ về hợp với dòng sông Mã ở gần Ngã Ba Bông. Đây là một con sông tự nhiên, lòng nhỏ và hẹp, nhiều đoạn hai bờ sông dựng đứng như hai vách trường thành kiên cố và vững chắc. Vì đi qua những vùng đất đỏ, cho nên về mùa mưa, nước sông Cầu Chày đục ngàu như nước sông Hồng. Nước sông này có tiếng là độc. Từ xưa, nhân dân ở đây truyền tụng câu “sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi” cũng là vì nghĩa đó. Vào tháng 8, tháng 9 âm lịch, sông Cầu Chày thường gây ra nạn úng lụt làm cho năng suất mùa màng luôn ở trong tình trạng bấp bênh và không ổn định. Cho nên, vấn đề đắp đê phòng lụt ở đây và những vùng lân cận từ lâu đã trở thành bức thiết.

          Ngoài sông Cầu Chày, ở Xuân Minh còn có một con kênh (mà nhân dân vẫn gọi là kênh Nhà Lê). Con kênh này sau khi chảy qua địa phận của làng Phú Xá, Trung Vũ, Trung Lập (thuộc xã Xuân Lập bây giờ) rồi rẽ xuống các làng Ngọc Trung, Thuần Hậu, Xá Lê của Xuân Minh để nối với một cái hón (hay còn gọi là con nỗ) rồi mới đổ về hợp với sông Cầu Chày. Cái hón nỗ trên thì bắt nguồn từ làng Phúc Bồi, Vạn Lại (thuộc xã Thọ Lập bây giờ) rồi chảy qua thôn Kỷ Tín (xã Xuân Tín) để chạy về vây quanh lấy làng Trung Lập và một số làng của xã Xuân Minh.

          Bên cạnh sông Cầu Chày, kênh nhà Lê và hón nỗ ra, ở Xuân Minh còn có cả một hệ thống mau, hồ và ao chum chằng chịt. Đó là nguồn tưới tiêu chủ yếu và rất quan trọng trong nông nghiệp. Nếu biết cải tạo một cách hợp lý và khoa học thì đó không những là một hệ thống thuỷ lợi tốt mà còn có thể trở thành một nơi phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá nước ngọt.

          Nói chung, với điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu và sông ngòi của xã Xuân Minh mặc dù cũng còn những điểm bất cập, nhưng cơ bản thì vẫn có đủ yếu tố thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Gần đây, với việc xây dựng trạm bơm điện ở sông Cầu Chày và việc cải tiến nhanh chóng hệ thống thuỷ lợi ở trong xã, sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp của Xuân Minh đã và đang mở ra những triển vọng rất to lớn và đáng phấn khởi.

          Về giao thông, trong thời kỳ phong kiến, ở Xuân Minh chưa có đường lớn, việc đi lại giữa các làng trong ngoài xã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng so với một số vùng khác thì cũng còn thuận lợi hơn, vì mỗi khi đi xa và vận chuyển nặng thì còn có thể dựa vào đường sông Chu và sông Cầu Chày. Nói chung các đường đi, lối lại ở trong xã đều là đường đất nhỏ và hẹp được hình thành trên cơ sở đường mòn cũ, về mùa nắng thì bụi mù, về mùa mưa thì lầy thụt, bẩn thỉu, việc liên hệ giữa làng này với làng nọ đều phải dùng thuyền thúng.

          Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, do mục đích chính trị, quân sự và khai thác thuộc địa, bên cạnh việc mở các trục đường lớn từ thị xã Thanh Hoá đi các nơi trọng yếu, thực dân Pháp đã bắt dân phu của cả mấy huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá và Yên Định đắp một con đường từ bờ sông Chu xã Xuân Yên, qua Xuân Lai, Xuân Minh, Hổ Bái rồi về Kiểu để nối liền với hai trục đường chính từ thị xã đi Bái Thượng và từ Thị xã đi Cẩm Thuỷ. Thực chất, đây là đường giao thông liên huyện Thọ Xuân – Thiệu Hoá - Yên Định. Bến phà vượt sông Chu ở phủ Thọ Xuân và Cầu Vàng vượt sông Cầu Chày được dựng đồng thời trong khoảng thời gian này là để phục vụ cho ô tô và xe cơ giới đi lại được dễ dàng.

          Do vị trí cách xa tỉnh lỵ, và là vùng ven rừng – nơi tiếp nối giữa đồng bằng với trung du và miền núi – nơi giáp gianh với nhiều huyện, lại có những điều kiện kinh tế, giao thông thuận lợi, cho nên Xuân Minh sớm trở thành một trong những địa bàn quan trọng để Đảng bộ Thanh Hoá xây dựng chỗ đứng chân trong thời kỳ hoạt động bí mật. Có thể nói, đây chính là một địa bàn lợi hại, rất cơ động và linh hoạt. Từ đây, theo trục đường liên huyện, trục đường tỉnh lộ, hoặc theo đường sông Cầu Chày và sông Chu, chúng ta có thể bắt liên lạc một cách dễ dàng với các huyện miền xuôi cũng như các huyện miền núi. Hơn nữa, chúng ta lại còn có thể dựa vào ưu thế của vùng rìa rừng để hoạt động và triển khai lực lượng rất an toàn và bí mật. Nếu bị kẻ thù tiến công thì cũng dễ dàng phát hiện để đối phó một cách kịp thời. Chính vì lẽ đó mà trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, Xuân Minh đã tỏ rõ là một căn cứ  rất vững chắc và rất đáng tin cậy của Đảng bộ tỉnh ta.

 

 



1  Gần 60 xứ đồng như: đồng Trước, đồng Sau, đồng Quan Trên, đồng Quan Dưới, đồng Mã Trên, đồng Mã Dưới, đồng Dọc, đồng Gốc Xoài, đồng Cấp Tứ, đồng Đa Tán, đồng Cổng Thang, đồng Cổ Ngựa, đồng Mã Cua, đồng Cồn Chòi, đồng Bản De, đồng ổ Gà, đồng Lai Duệ, đồng Tiêu, đồng Bái Cáo, đồng Cồn Nòi, đồng Mã Thổng, đồng Nồn, đồng Đằn, đồng Mả ải, đồng Mã Viên, Mã Nay, đồng Gốc Đa trước, gốc Đa nhỏ, đồng Lau, đồng Cao, đồng Lương, đồng Cống Hưu, đồng Chùa, đồng Bên Vườn, đồng Cổng Thang, đồng Xoài, đồng Sông Vàng, đồng Ngoài, đồng Đống Vạn, đồng Trại, Con Trì, Bái Mạng, Cột Ước, v.v...

1  Từ Xuân Minh đến sông Chu gần 2km, sở dĩ không bị ảnh hưởng trực tiếp của sông này vì đã có đê ngặn cách. 

Công khai giải quyết TTHC

Địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC
Địa chỉ: Thôn Vinh Quang, xã Xuân Minh, Huyện Thọ Xuân
SĐT: 02373545368
Email: ubndxaxuanminh@gmail.com